Sunday, April 1, 2018

Bitcoin “thật” hay “ảo”?

Trần Nguyên Thao (Danlambao) - Những năm gần đây, khoa học, kỹ thuật biến đổi chóng mặt. Nhiều độc giả cao niên, dù thuở thiếu thời bảng vàng đề danh nhiều lần, nay cũng “chào thua” các sản phẩm công nghệ tin học mới ra lò. Một chiếc điện thoại thông minh cài đặt đủ tiện nghi sắp xếp tinh vi nằm gọn trong bàn tay, nhưng nhiều “cụ” dù mới trên “sáu bó” cũng “ngu ngơ” không biết dùng đến một phần nhỏ của sản phẩm. Thật phí của Trời!

Trong lãnh vực tiền tệ, để dễ thanh toán và tránh bạc giả, cách nay gần một thập niên, năm 2009(1), Bitcoin ra đời, do người “giấu mặt” dưới tên Satoshi Nakamoto[2] đưa vào lưu hành dưới dạng phần mềm của mạng điện toán toàn cầu mà không cần thông qua một định chế tài chính trung gian nào. Mỗi bitcoin được chia ra 100 triệu đơn vị nhỏ hơn gọi là Satoshi.

Bitcoin mang ký hiệu BTC, XBT,  (như hình bên cạnh). Gọi là đồng tiền, nhưng lại không có hình thù như những loại tiền của các nước đang lưu hành trên thế giới mà chúng ta thường gặp... Bitcoin không sờ vào được như tiền giấy hay tiền kim loại. Người thì gọi Bitcoin là tiền “ảo”, kẻ bảo tiền điện tử. Nếu xét về hình thức, thì Bitcoin như điệp viên “không không thấy”, nhưng xét về giá trị, thì Bitcoin lại dùng trao đổi, mua bán được và có giá trị lên xuống nhiều khi giao động bất ngờ, làm cho nhiều vị nữ lưu còn đang kiếm chỗ trao thân phải “xiêu hồn, lạc phách”; hoặc từng trải, già giặn như các tay buôn bán sừng sỏi cũng phải chau mày rơi lệ... vì sơ sẩy tự mình làm tán gia bại sản!

Như trình bầy sơ lược dưới đây, giá trị Bitcoin lên xuống với biên độ giao động khá nhanh và rủi ro khá cao. Từng có nhiều người mất trắng số tiền đầu tư vì sàn vỡ, sàn lừa đảo. Tuy vậy, vẫn có nhiều “tay chơi” đang sẵn sàng “lao vào cuộc chiến”:

Trong gần 8 năm đầu, Bitcoin đã bị thiên hạ đăng “cáo phó” đến 89 lần, nhiều nhất là các năm 2011 đến 2015. Đến nay bảng “Rest In Peace” (RIP) tuy không thấy nữa, nhưng Bitcoin đang tạo ra nhiều tranh luận và tiên đoán khác biệt:

Tháng 11 năm 2017, Bitcoin đã ở mức 19 ngàn Mỹ Kim. Đầu tháng 02, BBC loan tin Bitcoin mất 30% trị giá chỉ trong một đêm. Ngày 05 tháng 03, mỗi Bitcoin có giá 11, 675 Mỹ Kim. Tom Lee, chuyên gia chứng khoán ở Wall Street lạc quan cho rằng đến cuối năm nay, Bitcon sẽ có giá gấp đôi. Sáng nay, 31 tháng 03, giá mỗi Bitcoin chỉ còn 6, 900 Mỹ kim!

Cuối tháng 02, tỷ phú Bill Gates [3] trả lời trực tuyến trên Reddit, cho rằng tính ẩn danh và không được kiểm soát của các loại tiền kỹ thuật số cho phép giới tội phạm tiến hành các giao dịch chợ đen, rửa tiền, trốn thuế và các trao đổi tài chính bất hợp pháp khác.

Trao đổi trực tiếp với người phụ trách mục này, chuyên gia đầu tư Bắc Ấu nhận định: Bitcoin dễ gặp nạn giảm phát, (thay vì lạm phát). Người ta có khuynh hướng muốn để dành, đợi giá trị Bitcoin tăng thay vì tiêu sài. Như thế không phù hợp với nền kinh tế tiêu thụ. Ngoài ra vì tính giao dịch ẩn danh qua Bitcoin dễ dàng, nó đã thành một tiền tệ thông dụng của các xã hội đen. Kết quả là, phần đông các chính quyền trên thế giới đều dè dặt với Bitcoin. Nhưng họ lại rất tò mò muốn tìm hiểu kỹ thuật "block chain" nằm sau Bitcoin [*].

Tuần lễ đầu tháng 3, cũng trên hệ thống CNBC, Giáo Sư Kinh Tế đại học Harvard, Kenneth Rogoff [4] tiên đoán 10 năm tới, khả năng giá một bitcoin giảm xuống tới mức 100 Mỹ Kim thay vì tăng lên 100.000 Mỹ Kim.

Cho đến nay những ý kiến về tương lai đồng Bitcoin vẫn chỉ là dự đoán, không có gì chắc chắn. Nhưng chưa có ai “nổ” bạo miệng như người dẫn chương trình “Mad Money” Jim Cramer của CNBC, theo ông này “đồng tiền điện tử Bitcoin có thể lên đến 1 triệu Mỹ kim trong tương lai”. 

Bitcoin là loại tiền mã hoá điển hình nhất, ra đời đầu tiên, và được sử dụng rộng rãi nhất trong thương mại điện tử. Các doanh nghiệp có xu hướng muốn thanh toán bằng Bitcoin để giảm thiểu chi phí. Đến tháng 10 năm 2017, lượng tiền cơ sở của Bitcoin được định giá hơn 252 tỷ Mỹ Kim- là loại tiền mã hóa có giá trị thị trường lớn nhất. 

Nhờ áp dụng kỹ thuật “blockchain” [5] , nên đồng Bitcoin được giới hạn tổng cộng 21 triệu Bitcoin vào 32 năm nữa, tháng 7 năm 2140 [6] - khi đó bạn và tôi nhiều người cũng “trở về cát bụi”. Nếu đến lúc đó, Bitcoin được cả thế giới nhìn nhận, thì đúng là nó có giá trị ít ra cũng là 14 triệu Mỹ Kim. Bởi vì cho đến nay, tài sản của cả nhân loại cũng “hòm hòm” 300 ngàn tỷ Mỹ Kim [7]. 

Bất cứ khi nào, nếu bạn muốn tìm, vào ngay Google gõ nhẹ mấy chữ “bitcoin price today” sẽ thấy trị giá đồng Bitcoin trong thời điểm mới nhất.

Nhiều quốc gia nhận ra tiềm năng của đồng tiền này trong giao dịch thương mại điện tử nên đã hợp pháp hóa việc sử dụng Bitcoin. Ở Nhật Bản, châu Âu, Mỹ, máy ATM Bitcoin đã trở nên phổ biến.

Nhìn lên tấm bản đồ thế giới, rất nhiều quốc gia vẫn cấm Bitcoin lưu hành trên không gian điện toán, trong đó có Trung cộng và Việt cộng. 

Ở Việt Nam, việc mua bán, mở sàn trung gian giao dịch Bitcoin diễn ra khá phổ biến và hoạt động náo nhiệt hàng ngày. Nhưng Ngân Hàng Nhà Nước Việt Cộng chính thức nói là, luật pháp chưa “bảo vệ cho nghiệp vụ tài chánh Bitcoin”.

Tuy vậy, Hà Nội đang chuẩn bị khung pháp lý để tiến đến nhìn nhận các giao dịch Bitcoin vào sau tháng 8 năm nay[8].

Cuối tháng 11 năm ngoái, Bắc Kinh áp đặt lệnh cấm tất cả các giao dịch tiền ảo trong nước. Tuy nhiên, điều này đã bị phản ứng ngược. Mọi giao dịch của Bitcoin đã chuyển sang các khu vực pháp lý khác, mở các trụ sở chính tại Singapore, Nhật Bản. Ngoài ra, một phần đáng kể các giao dịch được chuyển ra bên ngoài thị trường (OTC). Mọi mua bán Bitcoins, giữa các cá nhân được thực hiện trực tiếp. Vào đầu tháng Chín, thị phần giao dịch OTC không quá 5% đồng nhân dân tệ, nhưng một tháng sau đã lên đến 20%, và vào đầu tháng Mười Một, khi tất cả sàn giao dịch tiền ảo Trung cộng chính thức bị đóng cửa, chỉ số này đã tăng gấp đôi.

Lần đầu tiên một bài viết rất sơ lược về đồng tiền điện tử Bitcoin xuất hiện trên mục này, chỉ với ước mong giúp quý độc giả biết một phần đổi thay trong sinh hoạt tài chánh, tiền tệ toàn cầu. Quý bạn muốn tìm hiểu sâu hơn về “một đồng tiền” ảnh hưởng trên đời sống của một phần nhân loại, thì có vô vàn tài liệu chi tiết mô tả về diễn biến phức tạp của Bitcoin trong ngành tiền tệ thế giới.

Chẳng biết thực hư ra sao, nhưng này bạn, nếu chiếc điện thoại thông minh còn chưa biết khai thác đến một phần tiện nghi của nó, hay mạng điện toán của bạn có chút trục trặc, bạn phải “bó tay” ... thì đừng nghe các con buôn (trader) xúi dại đua đòi học cách “mở ví bitcoin” để lưu giữ đồng tiền điện tử này. Việc “mở ví Bitcoin” coi như mở một tài khoản (account) trong ngân hàng. Với khả năng của bạn và tôi vào lúc “xế chiều”, nên cặp kè chiếc ví truyền thống, nhét sâu trong túi quần tây, lâu lâu sờ thấy một lần để biết chắc vài tờ giấy bạc người phối ngẫu ưu ái dúi cho tiêu vặt vẫn đếm “sột soạt” trước mắt là chắc ăn hơn cả. Chớ có nghe con buôn xúi dại mà mất toi sấp giấy bạc, dù là tiền Hồ, trị giá chỉ ngang cộng hành cũng vẫn là “vật bất ly thân” như các cụ nhà mình đã dậy.

Mar 31-2018 


________________________________________

Chú thích:









[*] Chuyên gia Đầu Tư Bắc Âu giải thích : kỹ thuật blockchain tạm thời hiểu nôm na như một “cuốn sổ điện tử” Với khả năng điện toán thời nay, blockchain được phổ biến khắp nơi. Sau khi một dữ kiện được mạng lưới công nhận thì không có thể thay đổi, thao túng được. Như thế blockchain giúp phòng ngừa nạn mất mát dữ kiện, hay nạn cùng số tiền xài nhiều lần (vì không có thể thay đổi các con số đã "chép" vô blockchain để giả vờ tiền chưa xài). Điểm này đang khá hấp dẫn với giới tài chánh thế giới, nên các ngân hàng đang quan tâm đến blockchain. Kỹ thuật Blockchain còn có thế áp dụng kiểm soát bầu cử để tránh gian lận.

0 comments:

Powered By Blogger