Friday, November 10, 2017

Người mù và kẻ liệt

Trần Quốc Việt (Danlambao) - ...Cũng như họ, chúng ta chạy trốn trước phép lạ tự do và dân chủ. Vì chúng ta coi chế độ độc tài là số phận nên chúng ta đành phải chịu đựng như người mù và kẻ liệt cam phận với cảnh đời của họ. Từ đấy chúng ta không hành động để thay đổi hoàn cảnh chính trị mà quyết định số phận mình và tương lai con cháu thì chúng ta khác gì kẻ liệt. Chúng ta để mặc cho chế độ dẫn dắt chúng ta và con cháu vào đêm trường mù mịt thì khác gì người mù...

*

Đôi khi nghĩ đến tình cảnh Việt Nam, tôi chợt liên tưởng đến chuyện người mù và kẻ liệt. Hình ảnh của họ là sự phản chiếu về tinh thần và thái độ hình ảnh của đa phần chúng ta.

Người mù cõng kẻ liệt còn kẻ liệt chỉ đường cho người mù. Cả hai nương tựa vào nhau để sống. Hai người nhưng chỉ là một. Họ sống vô tư lự và hạnh phúc trong sự cam phận ta thường thấy ở những người bất hạnh. Mỗi ngày người mù cõng kẻ liệt đi xin ăn. Đôi chân mạnh khỏe của người mù bước đi tự tin và vững chắc nhờ đôi mắt ngời sáng của kẻ liệt. Hai người sống chung bên nhau no ấm, bình an, không lo lắng phiền muộn gì dưới lòng thương xót gần như vô tận của người đời khi thấy họ tưởng như sinh ra để dính chặc vào nhau suốt đời như thế.

Một hôm tin đồn lan ra khắp thành phố. Chúa sẽ giáng thế để thực hiện phép lạ cho tất cả những ai khốn khổ vì bệnh tật. Bất ngờ qua một đêm thành phố trở thành hiện thân của kiếp người đau khổ. Hàng ngàn người mắc bệnh nan y, hay tàn phế, mù lòa từ khắp nơi đổ tràn về thành phố để đón chờ phép lạ. Trong biển người đau khổ ấy người ta không nhìn thấy hình ảnh thân quen của đôi bạn người mù và kẻ liệt mà họ vẫn thường thấy cõng nhau đi trên đường.

Người mù và kẻ liệt đang trốn trong bụi rậm ở một nơi rất vắng vẻ trong thành phố. Họ tin Chúa nhưng rất sợ phép lạ. Người mù nói với kẻ liệt:

"Nếu Chúa bắt gặp tôi với anh thì cuộc đời chúng ta không còn bình an hạnh phúc và vô tư như trước nữa. Lúc đó tôi hết mù, anh hết liệt rồi biết đâu tôi với anh cũng không còn là bạn, đường ai nấy đi, mạnh ai nấy sống."

Kẻ liệt thở dài nói: "Lúc đó bọn ta biết làm gì để kiếm ăn đây? Chắc phải chết đói mất. Cho nên chúng ta phải trốn ở đây vì chúng ta không cần phép lạ."

Người mù gật đầu tán thành: "Phép lạ chỉ mang lại phiền toái, lo âu và bận tâm vì phải mưu sinh nhọc nhằn rồi bao nhiêu chuyện phải lo nghĩ khác."

Ngày Chúa Nhật Chúa thực hiện phép lạ. Từ trên trời Chúa hiện ra nói vọng xuống:

"Tất cả những ai bệnh đều lành bệnh. Tất cả những ai mù đều sáng mắt. Tất cả những ai liệt đều đi lại được..."

Người mù và kẻ liệt vừa nghe tiếng Chúa vang vang bên tai thì muôn vàn sóng biển âm thanh vỗ ập đến họ mang theo những tiếng reo hò, hân hoan, khóc mừng của biển người bên ngoài mới được nhận phép lạ. Người mù và kẻ liệt tức thì nép mình vào bên nhau vô cùng sợ hãi. Chợt người mù kêu lên: "Bầu trời xanh đẹp quá. Tôi nhìn thấy rồi!". Kẻ liệt bàng hoàng nói: "Phép lạ!" và bước đến ôm lấy người mù.

Cả hai ngước nhìn lên trời, khóc và làm dấu thánh. Rồi họ lại ôm nhau lần cuối rồi đường ai nấy đi.

Cũng như họ, chúng ta chạy trốn trước phép lạ tự do và dân chủ. Vì chúng ta coi chế độ độc tài là số phận nên chúng ta đành phải chịu đựng như người mù và kẻ liệt cam phận với cảnh đời của họ. Từ đấy chúng ta không hành động để thay đổi hoàn cảnh chính trị mà quyết định số phận mình và tương lai con cháu thì chúng ta khác gì kẻ liệt. Chúng ta để mặc cho chế độ dẫn dắt chúng ta và con cháu vào đêm trường mù mịt thì khác gì người mù.

Chúng ta không muốn đón nhận phép lạ tự do và dân chủ để khỏi phải thay đổi và hy sinh và cũng để khỏi phải bận tâm gánh vác trách nhiệm công dân. Chế độ toàn trị tồn tại trường tồn, xét cho cùng, vì người dân đã từ bỏ hẳn trách nhiệm công dân của mình. Hay nói cách khác chúng ta sợ tự do vì tự do bền vững phải đi kèm với trách nhiệm thường xuyên của mỗi cá nhân công dân.

Chúng ta phải lên đường, phải tranh đấu để tìm đến phép lạ tự do và dân chủ mà hiện đang mang lại hạnh phúc và bình an đích thực và trường tồn cho cá nhân và xã hội ở những nước dân chủ. Họ là tấm gương phản chiếu phép lạ ấy. Nếu ta không đấu tranh để đạt được phép lạ ấy thì chung cuộc nó vẫn chỉ là ảo ảnh hão huyền không bao giờ chúng ta với tới được. Cho dù thời thế sau này có cho ta hưởng thụ được tự do và dân chủ mà chúng ta chẳng cần phải tranh đấu gian khổ thì phép lạ ấy cũng chỉ thoáng qua như mây bay rồi bóng tối độc tài hay nô lệ khác cũng sẽ mau chóng phủ ập xuống cuộc đời chúng ta và con cháu sau này.

Dòng người vô tận vất vả đi dưới trời mưa trên những con đường càng ngày càng ngập nặng ở các thành phố lớn ở Việt Nam là hình ảnh đầy cam phận của những người mù và kẻ liệt về tinh thần và thái độ. Họ là kẻ liệt vì họ không muốn hành động để thay đổi hoàn cảnh hằng ngày này. Họ là kẻ mù bước đi trong bóng tối trên con đường ngập lụt đầy biết bao rủi ro không thấy. Từ đấy ta nhìn thấy hình ảnh tương lai của một Việt Nam không cần phép lạ mà được tạo ra bằng can đảm, hy sinh và trách nhiệm của mỗi công dân.

11.11.2017

0 comments:

Powered By Blogger