Tuesday, May 23, 2017

SỨC MẠNH CỦA NỀN DÂN CHỦ HOA KỲ

Tác giả: Lê PhanPosted on: 2017-05-19
Trước khi bước vào nghiệp báo chí, tôi học chính trị học. Thời tôi đi học chính trị học, vào những năm của thập niên 1960, khi đe dọa của các chế độ độc tài toàn trị, từ Ðức Quốc xã của Hitler đến các chế độ Cộng Sản của Stalin và Mao, đang là một mối lo thật sự.

Lúc đó tôi có một giáo sư rất thú vị. Ông tốt nghiệp trường luật ở Viện Ðại Học Charles ở nơi lúc đó còn là Tiệp Khắc dưới chế độ Cộng Sản. Khi ra trường ông vào làm việc cho văn phòng công tố. Bất mãn trước những việc phải làm, ông đã bỏ trốn khỏi nước chạy sang Pháp. Ở Pháp ông vào học ở trường Sorbonne của Viện Ðại Học Paris, cũng học luật nhưng lần này là luật pháp dân chủ kiểu Pháp. Rồi ông rời Pháp đi sang Hoa Kỳ và vào học chính trị học ở Viện Ðại Học Colombia. Tôi học ông môn Chế Ðộ Toàn Trị và Dân Chủ (Totalitarianism and Democracy). Chính ông thường bảo ông thuộc loại người Âu Châu không nói tiếng nào đúng giọng cả vì cuộc sống lang thang qua quá nhiều quốc gia. Mà quả thật, ông nói tiếng Anh giọng Ðức, và thường bảo với chúng tôi là ông nói tiếng Ðức giọng Áo và tiếng Áo giọng Ðức. Ông cũng có lối diễn tả chính trị rất tưng tửng. Khi tả lại lối bỏ phiếu ở một Quốc Hội Cộng Sản, ông bảo, “Họ đâu có bỏ phiếu. Họ tập thể dục. Một hai ba, giơ tay lên. Một hai ba, bỏ tay xuống.” Lũ học trò chỉ còn biết ôm bụng cười.

Sở dĩ tôi dài dòng về giáo sư của tôi vì tôi nhớ ông trong giai đoạn chính trị hiện tại ở Hoa Kỳ. Ông là một người đặt trọn niềm tin vào nền dân chủ Hoa Kỳ. Vốn mới thoát ra khỏi Âu Châu, một Âu Châu đã chứng kiến nền dân chủ Weimar của Ðức tự tử khi bầu lên Hitler làm thủ tướng, ông thán phục điều mà ông gọi là thiên tài cũng như tinh thần thực tế của các vị cha già dân tộc Hoa Kỳ.

Có một lần ông bàn về một cơ chế mà ông coi rất là quan trọng của nền dân chủ Hoa Kỳ, đó là quyền của Quốc Hội đàn hạch và cách chức tổng thống. Thời thập niên 1960 chưa có Watergate cũng như chưa có Lewinsky, nên chuyện impeachment là một chuyện lý thuyết.

Ông chỉ ra điều mà ông bảo tối quan trọng là mục tiêu của impeachment không phải là trừng phạt mà là ngăn ngừa. Mục tiêu của impeachment không phải là để trả thù. Nó là để bảo vệ công chúng cho những hành động bất cẩn hay vi phạm trong tương lai. Hiến Pháp Hoa Kỳ, ông chỉ ra, áp dụng việc đàn hạch tổng thống cho “phản quốc, hối lộ và những hành vi trọng tội khác và những khinh tội.” (nguyên văn ‘high Crimes and Misdemeanors’) Khinh tội đây là chữ tôi dùng để dịch chữ “misdemeanours” trong Hiến Pháp. “Khinh tội” ở đây không phải là muốn nói đến những tội vặt như trộm cắp, gây rối trật tự, bởi nếu nó có nghĩa như vậy, đàn hạch sẽ có thể dùng cho những việc quá nhỏ mọn, rõ ràng không phải ý định của các vị thảo ra Hiến Pháp.

Như Giáo Sư Greg Weiner, một giáo sư chính trị học ở Assumption College, cũng đã giải thích, tội danh này phải hiểu theo thời đại của nó, khi các cha già dân tộc viết ra Hiến Pháp. Khi George Mason viết lên những tội có thể bị đàn hạch, ông muốn rằng một tổng thống có thể bị đàn hạch không những chỉ cho những trọng tội như phản quốc hay tham nhũng, nhưng còn vì những điều mà ông gọi là “maladministration,” xin tạm dịch là “cai trị dở.” Ông James Madison, vốn cùng là tác giả của Hiến Pháp, đã không đồng ý vì chữ này quá mơ hồ, thành ra ông Mason mới thay thế bằng “trọng tội và khinh tội.” Và muốn hiểu rõ nghĩa của cụm từ đó thì chúng ta phải trở lại nhà luật gia lừng danh của Anh Quốc William Blackstone, vốn là một nhân vật được các vị cha già dân tộc Hoa Kỳ sùng kính. Theo Blackstone, “khinh tội” còn có nghĩa là “cai trị xấu của những kẻ giữ chức vị cao.”

Hiểu như vậy, theo Giáo Sư Weiner, vấn đề để quyết định xem liệu ông Trump có bị đàn hạch hay không ít liên hệ đến chuyện đã xảy ra ở văn phòng bầu dục giữa ông và ông Comey hơn là những diễn biến đó nói gì về chuyện sẽ xảy ra ở những văn phòng tương tự trong tương lai.

Mục đích của Mason là muốn ấn định một “tội chính trị,” một điều mà Alexander Hamilton đã công nhận trong những trang của Federalist Papers, vốn nói là đàn hạch áp dụng cho những tội “có bản chất mà có thể với một cá tính có thể gọi là chính trị, nhưng chúng chính ra chỉ những thiệt hại tạo nên cho chính xã hội.”

Khi các vị cha già dân tộc Hoa Kỳ định nghĩa nạn nhân là “chính xã hội” thì nó cũng định nghĩa tội ác. Ông Hamilton viết, “Ông Madison nghĩ là không thể nào không có một điều khoản được đặt ra để bảo vệ cộng đồng chống lại bất lực, lơ đãng hay bội tín của vị tổng thống.”

Bản chất chính trị của quyền đàn hạch tuy vậy không có nghĩa nó chỉ là một sự tranh quyền. Nó lại càng không thể là lập lại những tranh cãi bầu cử. Thay vì vậy, mục đích của nó là để “bảo vệ cộng đồng” thay vì trừng phạt một cá nhân.

Quyền đàn hạch trên căn bản nhằm ngăn ngừa phạm pháp chứ không phải để trừng phạt, tất nhiên chỉ được sử dụng khi có một vụ phạm pháp. Hành động phạm pháp đó chỉ là một dấu hiệu cho thấy trong tương lai người khác cũng có thể phạm tội đó. Ðàn hạch không có mục đích làm nhục một tổng thống hay cách chức ông ta. Nó nhắm bảo vệ xã hội, không cho các vị tổng thống tương lai phạm tội hay lơ là trong nhiệm vụ.

Và giáo sư của tôi cũng như Giáo Sư Weiner giải thích, theo ý nghĩa này, không cần thiết là liệu Tổng Thống Trump có rõ ràng có ý định cản trở pháp lý khi ông được nói là tìm cách thúc đẩy ông Comey. Ðiều mà Quốc Hội phải quyết định là mức độ tin tưởng liệu ông Trump có thể tin được không vi pham quyền lực một cách tương tự nếu ông tiếp tục cầm quyền. Về mặt khác, không có nghi ngờ gì là ông không phạm tội khi ông tiết lộ bí mật quốc gia cho đại sứ Nga. Nhưng việc đó cũng không phải là câu hỏi mà một vụ đàn hạch đặt ra. Vấn đề là liệu cộng đồng của ông Madison và xã hội của ông Hamilton có cần được bảo vệ chống lại những hành vi như vậy trong tương lai hay không.

Và dĩ nhiên tổng thống có thể thay đổi. Xin đan cử trường hợp của Tổng Thống Ronald Reagan và vụ Iran-contra. Vụ scandal này đã suýt làm tiêu tan sự nghiệp của Tổng Thống Reagan, và có thể dẫn đến ông bị đàn hạch. Nhưng sau khi tiết lộ là nhân viên an ninh quốc gia của tổng thống đã đổi vũ khí để lấy con tin bị giam giữ bởi Iran và chuyển tiền cho các tay du kích contras ở Nicaragua, Tổng Thống Reagan đã dọn dẹp nhà cửa và đồng ý cải tổ sự kiểm soát các chiến dịch mật. Sau đó không những ông không bị đàn hạch mà trở thành một trong những tổng thống đáng kính nể nhất của Hoa Kỳ.

Ðiều đáng nói ở đây, trở lại với vị giáo sư người Mỹ gốc Tiệp của tôi, là các vị cha già dân tộc Hoa Kỳ đã nghĩ rất sâu và rất chín chắn về mọi sự có thể gây hại cho nền Cộng Hòa và cho các công dân của nền Cộng Hòa đó.

Cũng xin thêm, thập niên 1960 vừa qua khỏi cơn ác mộng của Thượng Nghị Sĩ Joe McCarthy và chiến dịch truy nã Cộng Sản vốn trở thành một cuộc săn đuổi không phải những người Cộng Sản mà là chụp mũ cho tất cả những người Mỹ nào không đồng ý với ông là Cộng Sản. Nhưng giáo sư của tôi đã chỉ ra là ngay cả đến ông McCarthy sau cùng cũng đã bị Thượng Viện lên án (censure) và mất quyền.

Nói cho cùng, điều mà tôi tự nhiên được nhắc nhở là sở dĩ nền Cộng Hòa Hoa Kỳ có thể tồn tại đến ngày nay là vì những cha già dân tộc đã tạo cho nó những cơ chế để bảo vệ. Chính vì vậy mà chúng ta mới có việc chỉ định một công tố viên đặc biệt để điều tra về vụ Nga và ban vận động của Tổng Thống Trump.

Ông thầy của tôi có lần bảo, “Cứ thử nghĩ như các vị cha già dân tộc Hoa Kỳ. Khi họ viết ra Hiến Pháp, thế giới chỉ có một hình thức cai trị tức là một ông hay bà vua. Họ đã dựng nên một nhà vua được dân bầu lên. Nhưng cũng vì biết là nhà vua có thể lạm quyền, họ đặt ra những định chế để chế ngự, canh phòng lẫn nhau, cho không ai có thể lạm quyền được.”

Ông giáo sư của tôi chỉ có một điều lo ngại, nhưng không phải lo ngại cho nền Cộng Hòa Hoa Kỳ mà là cho thế giới. Ông bảo khi viết ra Hiến Pháp, Hoa Kỳ lúc đó chưa phải là một cường quốc, nên các vị cha già dân tộc đã để toàn quyền ngoại giao cho tổng thống.


Tổng Thống Trump có thể bị đàn hạch không?
Tác giả : Ngô Nhân DụngPosted on: 2017-05-20
Hầu như vị tổng thống nào gần đây cũng bị đe dọa đàn hạch.
Năm 2008, ông Donald J. Trump nói với đài CNN rằng ông ngạc nhiên tại sao bà Nancy Pelosi (chủ tịch Hạ Viện khi đó, đảng Dân Chủ chiếm đa số) không làm thủ tục truy tố đưa Tổng Thống George W. Bush về vườn. Phóng viên hỏi: Ðàn hạch? Chắc chắn! Lý do? Chiến tranh! “Ông ta nói dối! Nói dối để kéo chúng ta vào cuộc chiến tranh Iraq. Bush nói Iraq có vũ khí hủy diệt hàng loạt và bao thứ khác, toàn chuyện không có thật!” Ông Obama không tấn công Syria cũng vì sợ bị đàn hạch nếu không hỏi ý kiến Quốc Hội Mỹ trước. Khi ông hỏi, quả nhiên Quốc Hội bác bỏ. Tổng Thống Reagan cũng bị điều tra và đe dọa đàn hạch vì bán vũ khí cho Iran, trong khi Quốc Hội cấm.
Bây giờ đến lượt ông Donald Trump bị nhiều dân biểu, nghị sĩ thuộc cả hai đảng đề nghị đem ông ra đàn hạch. Trong dân chúng Mỹ 48% cũng nghĩ như vậy. Hàng triệu người đã ký ủng hộ một kiến nghị trên mạng. Có 45% người đoán ông Trump sẽ không ngồi đủ 4 năm ở Tòa Bạch Ốc, và 43% nghĩ ngược lại. Nghị sĩ Cộng Hòa lão thành John McCain cũng thấy không khí đàn hạch bao quanh ông tổng thống.
Câu chuyện đàn hạch lên sôi nổi sau mấy vụ ông Trump nói và làm gần đây. Ông đã sa thải Giám Ðốc FBI James Comey trong lúc ông ta đang điều tra về quan hệ giữa các cộng sự viên của ông với Nga. Ông lại tiết lộ một tin tình báo về ISIS cho ngoại trưởng và đại sứ Nga biết.
Hai hành động trên không đủ lý do để đàn hạch. Nhưng ông Trump có thể dính ông Comey tiết lộ rằng tổng thống đã đề nghị FBI hãy bỏ qua không tiếp tục điều tra vụ năm ngoái Tướng Mike Flynn gặp đại sứ Nga; ông ta đã nói những gì mà sau đó phải che giấu.
Một vị tổng thống yêu cầu nhân viên tư pháp ngưng một cuộc điều tra là phạm pháp, một hành động “ngăn cản công lý.” Hai vị tổng thống bị đàn hạch gần đây nhất, Richard Nixon và Bill Clinton đều được nêu ra vì lý do này. Ông Nixon đã từ chức khi thủ tục đàn hạch bắt đầu. Ông Clinton bị Hạ Viện đàn hạch nhưng qua Thượng Viện thì được tha vì không đủ 2 phần 3 số nghị sĩ kết án.
Liệu ông Donald Trump có thể bị đàn hạch hay không?
Cho tới giờ, theo những gì người ta biết,thì chuyện đó khó xảy ra.
Trước hết là chứng cớ “phạm tội.” Ðiều ông Comey tiết lộ được báo chí loan tin do một nhân viên FBI (không biết tên) tiết lộ, vì đã đọc “bản ghi nhớ” của ông Comey thuật lại các chuyện đã bàn khi gặp ông Trump. Nhưng các nhà báo chưa ai thấy bản “memo” đó. Các ủy ban điều tra của Quốc Hội có thể làm trát bắt FBI phải trao các memo của ông Comey để họ coi. Trong tuần tới ông Comey sẽ ra Thượng Viện. Họ có thể đòi ông Comey xác nhận điều ông viết trong memo là có thật.
Nhưng lúc đó vẫn chưa đủ chứng cớ buộc tội. Vì cuộc gặp gỡ giữa ông Comey và ông Trump không có ai làm chứng. Anh nói thế này ả nói khác, tin ai bây giờ? Quốc Hội có thể hỏi Tòa Bạch Ốc có thu băng các cuộc trò chuyện của Tổng Thống Trump hay không. Nếu có, phải cho họ nghe (việc này đã diễn ra thời ông Nixon bị điều tra). Nhưng dù có nghe băng thấy ông Comey nói đúng, ông Trump vẫn có thể chối! Ông sẽ nói rằng ông không hề đòi hỏi hay đề nghị ông Comey bỏ qua cho ông Flynn. Ông chỉ tỏ ý “hy vọng” ông Flynn được bỏ qua thôi. Theo bản memo mà ông Comey ghi, ông Trump dùng chữ “hope,” nói “I hope you can let this go.” Nói “hy vọng” có thể coi là “yêu cầu,” “ra lệnh,” tức là “ngăn cản tiến hành công lý” hay không?
Mai mốt, các ủy ban điều tra của Thượng Viện và Hạ Viện có thể tiến hành chậm hơn, sau khi Bộ Tư Pháp chỉ định ông Robert Mueller làm công tố viên độc lập cho vụ quan hệ Trump-Nga. Cả hai đảng đều hoan nghênh ông Mueller, ông Trump bực mình nhưng bó tay! Ông tổng thống không thể ngăn cản thứ trưởng Bộ Tư Pháp điều tra, chứng tỏ nước Mỹ vẫn giữ được nền nếp dân chủ!
Ví thử các cuộc điều tra đưa tới kết luận rằng Tổng Thống Trump “yêu cầu” muốn ông Comey ngưng theo đuổi vụ ông Flynn và Nga, thì Quốc Hội Mỹ đủ lý do tiến hành thủ tục đàn hạch tổng thống hay chưa?
Ðến chỗ này thì câu chuyện pháp lý sẽ nhường chỗ cho chính trị.
Hãy nghe ông Gerald Ford nói: “Một vụ vi phạm có thể coi là ‘đáng đàn hạch’ khi nào đa số dân biểu trong Hạ Viện nghĩ như thế.” Ông Ford từng làm dân biểu nhiều năm, từng điều khiển Hạ Viện, và sau lên làm tổng thống khi ông Nixon từ chức.
Thủ tục đàn hạch bắt đầu khi Ủy Ban Tư Pháp Hạ Viện mở hồ sơ điều tra. Khi ông Nixon thấy 404 dân biểu bỏ phiếu cho mở hồ sơ, chỉ có 4 người chống, thì ông biết rằng chỉ còn cách từ chức. Trên Thượng Viện cũng không đủ một phần ba nghị sĩ ủng hộ ông.
Theo tình hình hiện nay thì đa số dân biểu Cộng Hòa trong Hạ Viện không muốn đàn hạch Tổng Thống Trump. Nếu mở cuộc đàn hạch, tấn kịch sẽ diễn ra không biết bao giờ mới ngã ngũ. Cuối cùng không chắc ông Trump sẽ bị đàn hạch, nhưng uy tín của ông sẽ sụp đổ, kéo theo uy tín của cả đảng Cộng Hòa. Sang năm, các dân biểu sẽ bị các cử tri chất vấn về vấn đề này, những người ủng hộ cũng như những người chống ông Trump. Tốt nhất, đừng để chuyện đó xảy ra!
Các dân biểu Cộng Hòa sẽ chỉ đồng ý đem ông Trump ra đàn hạch nếu chính ông tổng thống bị các cử tri trong đơn vị của họ chống kịch liệt. Nhưng hiện giờ, hơn 80% cử tri Cộng Hòa vẫn tin tưởng ông Trump, coi ông là một nạn nhân! Ai chống ông, đầu năm 2018 sẽ bị các ứng cử viên Cộng Hòa khác hỏi tội, chưa chắc sẽ được đảng đưa ra ứng cử!
Ðàn hạch một tổng thống Mỹ rất khó. Các nhà lập quốc Mỹ đã bày ra cho nó khó (quý vị độc giả có thể đọc bài của Lê Phan trong cuối tuần này). Khi họ đặt ngưỡng cửa 67 trên 100 nghị sĩ đồng ý mới cất chức được vị tổng thống, họ muốn không một đảng nào, dù chiếm đa số, có thể lật đổ vị tổng thống thuộc đảng khác. Vì vậy ông Bill Clinton đã thoát nạn!
Ðiều số 2, khoản 4 trong Hiến Pháp Mỹ viết: “Tổng thống, phó tổng thống, và các quan chức dân sự trong chính phủ Mỹ có thể bị cách chức vì bị đàn hạch và kết tội vì lý do: phản bội, ăn hối lộ, hoặc các tội lớn, tội nhỏ khác.”
Hạ Viện sẽ làm công việc đàn hạch (Impeachment) rồi đưa lên cho Thượng Viện kết tội. Nếu đảng Dân Chủ muốn bắt đầu thủ tục đàn hạch ông Trump thì sẽ phải lôi cuốn được ít nhất 23 dân biểu Cộng Hòa theo họ. Ở Thượng Viện, muốn có 67 phiếu kết tội, phải chinh phục thêm 14 nghị sĩ Cộng Hòa đồng ý. Chỉ khi nào có bằng chứng hiển nhiên là ông Trump phạm tội tày đình thì số người bỏ chạy chống lại ông mới cao đến thế.
Khi hai vị tổng thống trước đây bị đàn hạch (Bill Clinton), hoặc đe dọa đàn hạch phải từ chức (Richard Nixon), Quốc Hội đều do đảng đối nghịch kiểm soát. Ông Nixon bị cả các dân biểu Cộng Hòa bỏ rơi vì họ thấy các cử tri của đảng đã chán ông ta rồi. Cho tới nay, ông Trump không lâm vào hoàn cảnh đó.
Nhưng ông Trump và đảng Cộng Hòa cũng không thể ngủ ngon, nghĩ rằng giông tố sẽ không bao giờ tới! Riêng cuộc điều tra của ông Mueller cũng sẽ thành đám mây mù che phủ tương lai họ trong thời gian dài, không biết kéo dài đến bao giờ. Sang năm khi dân Mỹ đi bầu không biết câu chuyện đã lãng quên chưa!
Cuộc điều tra này có thể mở màn cho những vụ lôi thôi khác hay không, chưa biết được. Thời 1973, Bộ Tư Pháp chỉ bắt đầu điều tra về một chuyện nhỏ, có thể truy tố người của ông Nixon đặt máy nghe lén đảng Dân Chủ. Ông Nixon phản ứng, câu chuyện xé thành to! Ông Bill Clinton cũng chỉ bị điều tra về một vụ đầu tư khi ông còn làm thống đốc. Bỗng dưng cô Monica xuất hiện, dẫn tới chuyện ông tổng thống bị kết tội khai man với cơ quan tư pháp!
Ông Donald Trump tánh nóng nảy và nói nhiều hơn cả hai vị tiền nhiệm trên! Không ai tiên đoán được ông Trump sẽ còn nói gì, làm gì nữa!

0 comments:

Powered By Blogger